CÁC LOẠI NGUYÊN LÝ

Các Loại Nguyên Lý

 

Có những điều mà cái trí thơ ngây và cái trí già dặn không đồng ý, chẳng hạn vào ngày hè nắng đẹp trẻ con sẽ tự hỏi rong chơi ngoài đồng không phải là thú vị hơn ngồi nhà vò đầu dịch bài cho PST ư ? Chắc chắn đúng vậy, nhưng dịch giả bất đắc dĩ của PST có lý do riêng đối với em thật khó hiểu. Hai giai đoạn ngây thơ / già dặn nếu nhìn theo quan điểm tiến hóa còn có nghĩa phát triển tâm linh ít / phát triển tâm linh nhiều; với cùng một sự việc người ở mỗi giai đoạn gán cho nó một giá trị riêng, dẫn đến sự tranh chấp mà cả hai bên đều có lý khiến cho việc phân xử không dễ dàng.

Mọi chuyện bắt đầu từ việc hai người dùng hai nguyên lý khác nhau, cái chính cái phụ. Đối với sự phát triển cá tính, con người chịu ảnh hưởng của nguyên lý phụ hướng vào cái tôi riêng rẽ; còn sự phát triển Chân nhân do nguyên lý chính quản trị hướng vào lợi ích của đa số. Sự phân loại và nhận biết không khó, vì nguyên lý chính kêu gọi trực giác còn nguyên lý phụ xử dụng lý trí nhiều hơn. Nguyên lý chính nhìn sự việc theo quan niệm vĩnh cửu, với nó một khó khăn to lớn chỉ là nhỏ bé, đau khổ lâu dài xem ra chỉ trong khoảnh khắc nếu so với cuộc tiến hóa dài triệu năm; nó xử dụng luật yêu thương và kết hợp, kêu gọi phần thiêng liêng nơi mọi người trong khi tất cả những điều này đều ngược lại với nguyên lý phụ. Cái sau quan niệm mọi việc chỉ thuộc một kiếp sống trong ba cõi, dựa trên vật vô thường, và có tinh thần phá hoại chống đoàn kết.

Tuy nhiên không nguyên lý nào xấu vì chúng đều là nền tảng hoạt động của Thượng đế, và từ trí của ngài chúng xuống đến trí ta; nguyên lý chính kêu gọi trực giác trước tiên và sự hưởng ứng thường đến từ thành phần cao nơi người, vì nó biểu lộ mọi quan hệ tinh thần giữa linh hồn với nhau, và cũng bởi vậy nó không hấp dẫn cái tôi vốn vị kỷ. Lấy thí dụ khi bạn đọc lời tuyên bố này: “Tất cả mọi người được sinh ra bình đẳng, có quyền tự do ngôn luận, tự do tư tưởng…”, bạn sẽ tức khắc công nhận chúng là đúng, là thiệt. Chỉ khi nào con người càng ngày càng đi theo sự hướng dẫn của Chân nhân, cá tính mới bắt đầu ghi nhận các nguyên lý cao và rung động hưởng ứng. Nếu bạn nào còn nhớ chuyện “Zanoni", bạn để ý thấy Zanoni (minh triết, thành phần cao) nói cùng Viola (đam mê, thành phần thấp) rằng chỉ khi nào các luật cai quản lối sống của cô giống như của anh, chừng đó Viola mới chia sẻ được bí mật của Zanoni.

Đây cũng là điều cần nhớ khi ta tiếp xúc với chung quanh và theo đó sửa lại  cách ta đánh giá trị người, bởi không phải ai cũng theo cùng một nguyên lý. Nguyên lý chính luôn luôn hướng tới điều lợi nhất cho số đông nhất, chẳng hạn một người phải thương yêu vợ / chồng mình là nguyên lý áp dụng cho cái tôi, sau đó nó cần được chuyển sang điều rộng lớn hơn là một người phải thương yêu đồng loại.

Nguyên lý có ba nấc từ thấp đến cao: 

a- Cai quản đời sống ở ba cõi thấp, hoạt động của  cái tôi. Nó ảnh hưởng con người vào thời gian đầu của cuộc tiến hóa, vào lúc chưa suy nghĩ sâu. Đây là những điều răn giúp ta thành công dân tốt: “con không được trộm cắp, không giết người…”, tập đức hạnh. Lúc này ý niệm riêng rẽ mạnh nhất, và con người học những điều trên qua việc nhận lãnh sự trừng phạt khi làm bậy.

b- Cai quản hoạt động của Chân nhân, sử dụng minh triết và bác ái. Con người tiến tới giai đoạn này bằng  cách từ bỏ và phụng sự, cái tôi được gác qua bên và anh “hằng lưu tâm đến sự tiến bộ và toàn thiện của nhân sinh".

c- Nguyên lý của chơn thần, hướng dẫn cách làm việc của những đấng cao cả.
Sự liên hệ giữa ba loại nguyên lý như sau:

– một áp dụng cho cái tôi, một cho chân nhân, một cho chân thần.

– một cho đơn vị biệt lập, một cho số đông và một cho tính cách duy nhất của sự sống.

Con người dễ bị rối trí giữa nguyên lý chính / phụ, và bất đồng ý kiến xảy ra khi một nhóm người ghi nhận, đáp ứng nguyên lý chính còn nhóm khác hài lòng với nguyên lý phụ. Hai bên khó thông cảm nhau vì một bên dùng trực giác, bên kia tình cảm nên bao giờ minh triết thay cho tình cảm, tranh chấp mới có hy vọng biến đi. Trong khi phải lựa chọn giữa hai điều, bạn sẽ quyết định dễ dàng nếu nhớ rằng cho dù nguyên lý phụ đúng và hay tới mấy, rốt cuộc nó sẽ phải nhường cho nguyên lý chính, bởi nguyên lý phụ sử dụng năng lực cõi thấp, nguyên lý chính kêu gọi năng lực chân nhân và khi va chạm lực cao sẽ thắng. Một người chứng tỏ anh tiến bước được ít nhiều khi biết phân biệt nguyên lý chính với phụ. Phần dưới đây ứng dụng các nguyên lý được viết cho thế chíến thứ hai nhưng vẫn còn giá trị làm vơi nhẹ sự đau khổ của người Việt Nam:

● Khoan than vãn trách móc trời đất, vì các đấng Nam tào Bắc đẩu lo phần nhân quả có một tầm nhìn rộng lớn hơn chúng ta, ngài hoạt động theo nguyên lý cao, biết rằng cuộc sống vô tận cho dù hình hài bị tiêu hủy, và sự sống đang tiến hóa đáng quan tâm hơn hình hài. 

● Mọi biến cố xảy ra đều có mục đích riêng và được những vị sáng suốt trông chừng. Thiệt thòi, mất mát là những kinh nghiệm phải học và phải trả giá, vì luật học hỏi định rằng mọi kinh nghiệm đều phải mua, và những hoàn cảnh do sự lầm lạc của người tạo ra đều được các ngài biến thành chuyện hữu ích.

● Và ta cũng nên nhớ rằng luật tái sinh chịu trách nhiệm cho những đau khổ hiện giờ. Các nhóm linh hồn tụ lại cùng một lúc để trang trải cho xong nhân quả ngày xưa. Lỗi lầm trước dẫn đến sự phiền muộn buồn rầu ngày nay, nhưng tùy nơi bạn sử dụng sự hiểu biết để thăng hoa các đau khổ này.

 

Sách tham khảo:
- A Treaties on White Magic by Alice A. Bailey